Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) - Nơi hội tụ của các nhà khoa học

 


Sau 5 năm hoạt động, Viện Thực phẩm Chức năng Việt Nam (VIDS) đã xây dựng được một nền móng vững chắc cho sự phát triển của Viện cũng như của ngành Thực phẩm chức năng Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các thành tựu nghiên cứu từ nguồn dược liệu trong nước.

 


Health+ đã có bài phỏng vấn Dược sỹ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam (VIDS) về những thành tựu đạt được trong 5 năm hoạt động, và vai trò của  VIDS trong sự phát triển của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) nói riêng và ngành Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam nói chung.


VIDS là cơ sở chuyển giao công nghệ TPCN

Theo DS. Nguyễn Xuân Hoàng, với vai trò là cơ quan khoa học và công nghệ của VAFF, VIDS thay mặt VAFF làm công tác khoa học; giúp cho VAFF tổng kết, nắm tình hình và giúp VAFF có cái nhìn xác thực nhất về thực trạng nghiên cứu, sản xuất của doanh nghiệp; tham mưu, tư vấn cho VAFF về lĩnh vực công nghệ, khoa học kỹ thuật trong ngành TPCN và trong các doanh nghiệp thành viên.

Bên cạnh đó, VIDS hỗ trợ các doanh nghiệp các vấn đề về công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ bào chế và các công nghệ liên quan đến chiết xuất, kiểm nghiệm, xây dựng công thức, liên quan tới các bằng chứng khoa học. Đồng thời, VIDS là đơn vị kết nối và chuyển giao công nghệ, kết nối với các tổ chức khoa học, với các hiệp hội nghề và các cơ quan quản lý khoa học như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y Tế hay các Viện nghiên cứu, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất TPCN hiện nay. Không hiếm sản phẩm TPCN đang lưu hành trên thị trường hiện nay là thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc VIDS.

Ngoài ra, VIDS còn giúp đào tạo cho các doanh nghiệp các vấn đề về kiến thức GMP-TPCN (thực hành sản xuất TPCN tốt), GAP-TPCN (thực hành nuôi trồng tốt cây thảo dược trong sản xuất TPCN), kỹ thuật bào chế ...  DS. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, cho đến nay, Công ty TNHH MTV Chứng nhận Chất lượng Asiacert thuộc Viện đã tổ chức được một số khóa đào tạo GMP-TPCN cho các doanh nghiệp trong cả nước.


Thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, dù có sự gia tăng đáng kể về số lượng và chất lượng sản phẩm cũng như số các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh TPCN, TPCN vẫn được coi là một ngành mới ở Việt Nam. TPCN vẫn nằm trong sự quản lý chung của cơ quan quản lý thực phẩm với các tiêu chuẩn, quy chuẩn dành cho thực phẩm. Tuy nhiên, TPCN là sản phẩm mang tính chất đặc thù - là điểm chuyển giao giữa thuốc và thực phẩm - nên thực tế, hiện nay việc quản lý sản phẩm TPCN còn nhiều bất cập, “hay nói chính xác hơn là việc quản lý TPCN không theo kịp với sự phát triển của ngành. Các tiêu chuẩn quản lý, chế tài quản lý chưa bắt kịp với sự phát triển của ngành TPCN. Việc cần làm hiện nay là xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về TPCN để cơ quan quản lý có những căn cứ pháp lý trong việc kiểm soát, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN trong điều kiện hiện nay”, DS. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết.

 

DS. Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định: “Với đội ngũ ban lãnh đạo và cố vấn là các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học hàng đầu trong ngành TPCN, VIDS có thể hỗ trợ các cơ quan quản lý như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y Tế xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực này. VIDS và VAFF đã, đang và sẽ tích cực hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc xây dựng TCVN về TPCN phù hợp với sự phát triển chung của ngành TPCN trong nước cũng như trên thế giới”.

Xây dựng trụ sở mới & Định hướng tương lai

Cuối năm 2013, đầu 2014, VIDS chính thức đặt những “viên gạch” đầu tiên trong việc xây dựng khu làm việc mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trả lời về việc lựa chọn Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, DS. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết:

“Một trong những mục tiêu hướng tới của VIDS là trở thành một trong những viện hàng đầu của ASEAN về TPCN. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu công nghệ cao quốc gia, do quỹ ODA Nhật Bản tài trợ, quy tụ được nhiều thành tựu khoa học của đất nước, là khu nghiên cứu và chuyển giao khoa học của cả đất nước. Đặt khu làm việc tại đây, VIDS sẽ tận dụng được nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ chung và các ngành công nghệ phụ trợ để giúp cho ngành TPCN phát triển như công nghệ sinh học, công nghệ thực vật, công nghệ môi trường…

PV: Và các nhà khoa học nữa chứ, thưa ông?

Đúng vậy. Đây là cơ hội cho VIDS thu hút được các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học đầu ngành của các nước đến thăm quan và làm việc. Và là cơ hội thu hút các nhân tài về làm việc tại VIDS.

Theo quy hoạch, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc còn là điểm tập trung của nhiều trường đại học lớn trong khu vực phía Bắc như Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia, Đại học FPT, Đại học Việt Nhật, Đại học Sinh học của Pháp… - những trung tâm đào tạo lớn về nhân lực cho ngành kỹ thuật cao. Do đó, đặt cơ sở nghiên cứu tại đó sẽ giúp VIDS thu hút được các sinh viên giỏi về làm việc, nghiên cứu.

PV: Được biết, trong thời gian tới, VIDS sẽ chú trọng trong việc nghiên cứu, phát triển các hợp chất thiên nhiên được nghiên cứu và chiết xuất từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên tại Việt Nam?


Đúng vậy, Việt Nam là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài thảo dược có hoạt chất phòng và chữa bệnh. Trong thời gian qua, VIDS đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu về các hoạt chất chiết xuất từ cây cỏ, thảo dược trong nước và đã được ứng dụng thành công trong các sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trong thời gian tới, với một môi trường làm việc thuận lợi mới, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học của VIDS sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm này.


Và, trong bản đồ quy hoạch khu làm việc mới, VIDS đã lên kế hoạch xây dựng trung tâm lưu trữ và phát triển nguồn gene thực vật, động vật, đặc biệt là những nguồn gene có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt của đất nước.

Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của ông.




Theo Health+