Hội thảo góp ý Dự thảo Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) Thực phẩm chức năng
Hội thảo có sự tham dự của: TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế), TS. Nguyễn Hùng Long và TS. Lê Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế), PGS. TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam (VAFF), PGS. TS Lê Văn Truyền - Phó Chủ tịch VAFF kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Chủ tịch Hội đồng Chứng nhận GMP Viện Thực phẩm Chức năng (VIDS), TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng quản lý ngộ độc Cục An toàn thực phẩm, ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Chứng nhận chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ), TS. Nguyễn Văn Nhiên - phó chánh thanh tra Bộ Y Tế, cùng các vị đại biểu, đại diện lãnh đạo của 20 chi cục An toàn thực phẩm khu vực phía Bắc, đại diện 20 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng khu vực phía Bắc, và các phóng viên, nhà báo tới từ nhiều cơ quan báo, đài trung ương, địa phương.
Hội thảo góp ý Dự thảo Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) Thực phẩm chức năng
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thanh Phong cho hay, không thể phủ nhận vai trò to lớn của Thực phẩm chức năng trong việc nâng cao sức khỏe và phòng ngừa các bệnh mạn tính. "Tuy nhiên nếu không có chế tài xử lý tốt, thì từ tôn vinh thực phẩm chức năng, ghi nhận vai trò của nó, người ta sẽ quay lưng lại với thực phẩm chức năng. Đây là mối nguy rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây, chúng ta đã để xảy ra tình trạng thần thánh hóa thực phẩm chức năng khiến người tiêu dùng khi kỳ vọng vào công dụng nhưng không được thỏa mãn sẽ nảy sinh sự bài trừ và hoài nghi", TS. Nguyễn Thanh Phong bày tỏ quan ngại.
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y Tế)
Hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành về thực phẩm chức năng, gần đây nhất là Thông tư Quy định về quản lý thực phẩm chức năng số 43/2014/TT-BYT (Thông tư 43), được hy vọng giải quyết được nhiều vấn đề nảy sinh của ngành thực phẩm chức năng trong những năm phát triển nóng vừa qua. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia cũng như người quản lý, Thông tư này tuy vẫn chưa thực sự "tròn trịa", nhưng nó thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan quản lý trong siết chặt công bố thực phẩm chức năng.
Một trong những điều quan trọng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật là quản lý hệ thống, điều kiệu sản xuất thực phẩm chức năng. Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, có những cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng đầu tư hàng trăm tỷ, nhưng cũng có nhiều cơ sở sản xuất có số vốn chưa vượt qua vài trăm triệu, thậm chí còn ít hơn. Thực trạng này làm nảy sinh hai vấn đề lớn: Thứ nhất, với những doanh nghiệp ít vốn, chắc chắn khó có thể đảm bảo điều kiện vệ sinh trong quy trình sản xuất so với các doanh nghiệp được đầu tư lớn; Thứ hai là sự cạnh tranh không lành mạnh trong giá thành sản phẩm khi các cơ sở đầu tư ít vốn sẽ cho sản phẩm giá rẻ hơn các cơ sở đầu tư mạnh.
"Như vậy, một trong những điều chúng ta cần làm là hoàn thiện, chuẩn hóa các văn bản quy phạm pháp luật mà quy định điều kiện vệ sinh trong sản xuất thực phẩm chức năng là điều tiên quyết", TS. Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Theo Health+